TRUNG TÍN TỐT HƠN NỔI TIẾNG

Phao-lô đã nói với người thành Cô-rinh-tô: "Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng”. Có lẽ, không có nhiều, nhưng có một ít người như một người đã chào đời ba thế kỷ sau Đấng Christ trong một gia đình Cơ Đốc giàu có ở Caesarea thuộc xứ Cappadocia (Thổ nhĩ Kỳ). Bố mẹ ông đặt tên ông là Basil, có nghĩa là Đế Vương. Họ gửi ông vào các trường học danh tiếng nhứt ở Constantinople và Athens, và Basil đã tốt nghiệp với hạng xuất sắc. Ông đã nghĩ về bản thân mình rất cao và trở về quê nhà với giấc mơ trở nên cao trọng trong cuộc sống đời thường. Nhưng chị của ông, là người dẫn dắt ông đến với đức tin nơi Đấng Christ, đã khuyên lơn ông nên có tánh khiêm nhường. Bà ấy khăng khăng: “Ở trước mặt Đức Chúa Trời, trung tín là điều tốt hơn nổi tiếng trước mặt loài người”.

Sau đó, Basil đã ao ước một đời sống bình tịnh, cầu nguyện và viết sách. Ông cư ngụ ở bên bờ sông Iris trên di sản của gia đình, ông lo giảng đạo cho các bộ tộc lân cận và giúp đỡ cho người nghèo. Nhưng ông nổi tiếng đến nỗi Hoàng đế Julian, mà người thời ấy gọi ông ta là vua bội đạo, mặc dù là kẻ cừu địch của Cơ Đốc giáo, đã tìm cách chiêu mộ ông làm cố vấn cho ông ta. Basil đã khước từ.

Nhưng ông không thể từ chối lời thỉnh cầu của vị Giám mục riêng của mình là Eusebius, là vị đã cảnh cáo rằng Hội Thánh đối mặt với những cuộc tấn kích của hoàng đế ở bên ngoài và tình trạng dị giáo ở bên trong. Basil rời bỏ nơi an cư thầm lặng của mình để sử dụng phần còn lại của đời mình bước vào chức vụ công khai. Ông đã đấu tranh cho chính thống giáo, rao giảng và viết ra nhiều sứ điệp sáng chói nói về bổn tánh của Đức Chúa Giêxu Christ và sự hợp nhất của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Vào năm 370, Basil đã kế tục Eusebius và tự minh chứng mình là một vị Giám mục có ơn, sắp đặt các chức vụ trong Hội Thánh đạt đến một cấp độ có hiệu quả cao. Về việc sử dụng tài sản riêng của mình, Basil đã sáng lập ra một bịnh viện, có lẽ là bịnh viện đầu tiên trong lịch sử Cơ đốc, đặc biệt cho sự chăm sóc những kẻ mắc bịnh phung. Ông là một người rất tử tế, thường hay thết đãi riêng kẻ đau bịnh. Basil đã dựng lên nhiều nhà thờ, trường học, nhà thương, ký túc xá, tu viện v.v… ở bên ngoài Caesarea, bấy nhiêu đó đã trở thành một thị trấn mà ai nấy gọi là Basiliad. Các luật lệ của ông đặt ra cho những thầy tu và chủng viện đã được áp dụng cho đến hôm nay trong Hội Thánh Hy-lạp.

Kiệt lực trước tuổi 50, Basil đã qua đời vào ngày 1 tháng Giêng năm 379. Tin tức lan đi như ngọn lửa trước gió ở ngày hôm sau, và người ta than khóc ông thật là sâu sắc. Người ta tưởng niệm đến ông vào mỗi ngày 2 tháng Giêng, ngày nầy được ấn định trong truyền thống phương Tây là Ngày Lễ Thánh Basil Vĩ Đại.

“Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến ký thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên” (1Phi-e-rơ 5:5, 6).

Dịch giả Đoàn Phan Danh

Nguồn: CDN Viêt- Nam