Tìm Hiểu Kinh Thánh

Sự Khải Thị, Sự Soi Dẫn, Sự Soi Sáng.

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Trong phần Tìm Hiểu Thánh Kinh kỳ trước, tôi đã trình bày cho quý vị biết Kinh thánh rất quan trọng cho chúng ta vì Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời đến với con người, và sở dĩ chúng ta biết Kinh thánh đến từ Đức Chúa Trời vì Kinh thánh tồn tại trong suốt mấy ngàn năm qua, có nhiều bằng chứng khảo cổ học xác chứng những dữ kiện trong Kinh thánh, Lời Tiên tri trong Kinh thánh được ứng nghiệm, Kinh thánh thay đổi đời sống người nghe và người tiếp nhận, Thánh Linh làm cho Lời Kinh thánh trở nên hiện thực. Hôm nay tôi cùng với quý vị học thêm về sự khải thị, sự hà hơi, sự soi sáng của Kinh thánh.

  1. SỰ KHẢI THỊ

    Sự khải thị có nghĩa là Đức Chúa Trời truyền phán ra, Đức Chúa Trời truyền thông với con người, Ngài mở ra để cho con người có thể thấy, có thể hiểu được. Chúa vén bức màn của sự bí mật lên để con người nhìn vào. Trong Kinh thánh có hơn 2500 lần chép “Chúa phán…” Trong sách Hê-bơ-rơ 1:1-2 chép rằng “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các Đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là con mà Ngài lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian.”

    Sách Tin lành Giăng 1:14, 18 chép rằng, “Chúa Giê-xu trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật, chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha... Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời, chỉ Con Một ở trong lòng Cha, là Đấng giải bày Cha cho chúng ta biết.”

    Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn, có thể tương giao, thông cảm với con người hữu hạn, con người không thể tìm kiếm hay khám phá ra Đức Chúa Trời, nhưng qua Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời nhập thể thành người, Ngài đã hạ mình xuống để diễn tả tư tưởng của Ngài, và tự giải bày, tự khải thị chính Ngài ra cho con người. Thật rõ ràng rằng Đức Chúa Trời đã chủ động khải thị cho con người biết về Ngài.

    Quý vị thường thấy hai người có mức độ hiểu biết nào đó, hoặc hai người có cùng một cảm nghĩ hay ước muốn, hoặc hai người có sự thu hút nhau nhiều hay ít, họ sẽ truyền thông lẫn nhau. Khi cách xa nhau, con người rất muốn liên lạc cùng nhau, và họ rất vui khi nhận được tin tức lẫn nhau. Đây là bản tính tự nhiên của lòng người, thể hiện qua việc gởi thơ, điện thoại; như bạn bè liên lạc với nhau, người chồng đi xa nhà viết thơ cho vợ, các học sinh ở trường viết thơ cho cha mẹ mình, các thanh niên nam nữ thư từ qua lại với nhau... Tất cả những điều này gọi là truyền thông, nó bày tỏ tấm lòng.Ngay cả những người câm và điếc, thiếu phương tiện truyền thông với thế giới xung quanh, nhưng họ vẫn có thể truyền thông được với những người xung quanh.

    Dựa trên những điều căn bản này, tôi xin hỏi quý vị câu này: Đức Chúa Trời có muốn tương giao với con người không? Với niềm tin quyết có nền tảng chắc chắn và với sự nhận thức, tôi kết luận rằng Đức Chúa Trời rất muốn truyền thông với những con người mà Ngài đã tạo dựng, Ngài ban cho con người sự thông minh để nhận thức vì con người được tạo dựng nên theo ảnh tượng của Ngài.

    Nếu quý vị chưa có sự khải thị từ nơi Đức Chúa Trời ngay bây giờ, tôi nghĩ là quý vị hãy chờ đợi và Ngài sẽ nói chuyện với quý vị, bởi vì khi quý vị có lòng mong chờ thì Ngài sẽ nói. Chúng ta lưu ý rằng tác giả sách Hê-bơ-rơ nói, trong thời Cựu ước Đức Chúa Trời nói qua các tiên tri, và hiện nay Ngài nói với chúng ta qua Đấng Christ, cả hai sự khải thị qua tiên tri trong Cựu ước và qua Đấng Christ trong Tân ước đều ở trong Lời của Chúa. Đó là cách mà chúng ta biết rằng Chúa dùng để truyền thông.Kinh thánh có 66 sách, Đức Chúa Trời nói với chúng ta qua mỗi sách này.

    Tôi mong ước là quý vị cần có lòng khiêm nhường và lỗ tai thiêng liêng nhạy cảm để nghe được Lời của Chúa.

    Có một tác giả vô danh viết về Kinh thánh như sau:

    “Kinh thánh chứa đựng tư tưởng của Đức Chúa Trời, cho biết tình trạng của con người, phương cách cứu rỗi, sự tối tăm của tội nhân và phước hạnh của người tin. Giáo lý của Kinh thánh là thánh sạch, luân lý của Kinh thánh được nối kết nhau, lịch sử của Kinh thánh là thật, và quyết định của Kinh thánh không dời đổi. Cho nên hãy đọc Kinh thánh để được khôn ngoan, hãy tin tưởng Kinh thánh để được bình an, hãy làm theo Kinh thánh để trở nên thánh sạch. Kinh thánh là ngọn đèn soi sáng hướng đi, là lương thực thuộc linh cung cấp cho bạn, là nguồn an ủi đem lại sự vui mừng. Kinh thánh là bản đồ cho người du lịch, là người dẫn đường cho cuộc hình trình, là la bàn cho phi công, là thanh gươm cho quân sĩ, là đức tính cho Cơ đốc nhân.Tại đây thiên đàng được xây dựng, cổng thiên đàng được mở ra và cửa địa ngục bị đóng lại. Đấng Christ là trọng tâm của Kinh thánh, phước hạnh được ban cho chúng ta, và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không bao giờ kết thúc. Kinh thánh cần được ghi nhớ trong tâm trí, ngự trong tấm lòng, và hướng dẫn mỗi bước đi.Hãy đọc Kinh thánh cách chậm rãi và thường xuyên với sự cầu nguyện. Kinh thánh sẽ ban cho quý vị sự sống, sẽ được mở ra trong ngày phán xét và được ghi nhớ mãi mãi.”

  2. SỰ SOI DẪN

    Đề tài thứ hai liên hệ đến Kinh thánh là sự soi dẫn. Tôi tin rằng tất cả những gì mà chúng ta thấy trong Kinh thánh là sự soi dẫn trọn vẹn. Có nghĩa là Kinh thánh là Lời có thẩm quyền và mỗi chữ là Lời của Đức Chúa Trời đến với chúng ta và cho chúng ta trong cuộc sống mỗi ngày.Sự soi dẫn (hà hơi) đảm bảo sự khải thị đến từ nơi Chúa.Đó chính là những gì Kinh thánh nói.

    Phao-lô viết bức thơ sau chót gởi cho Ti-mô-thê đã xác định cách chắc chắn rằng, “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17). Xin chú ý, Phao-lô nói rằng cả Kinh thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn.Chữ ‘soi dẫn’ có nghĩa là ‘hà hơi.’Đức Chúa Trời nói với những người viết Kinh thánh, cũng như Ngài nói qua Phao-lô, chính xác những gì Ngài muốn nói.

    Phi-e-rơ cũng viết trong bức thư của ông và nói rằng, “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” (II Phi-e-rơ 1:21). Đó là điều rất quan hệ để thấy rằng những tác giả viết Kinh thánh đều được cảm động bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời.Không những tư tưởng được soi dẫn, nhưng mỗi lời cũng được soi dẫn.

    Có câu chuyện rất lạ của một cô gái học hát với vị thầy nổi tiếng.Sau đó cô gái này trình diễn cho thầy mình nghe, cô lo lắng muốn biết phản ứng của thầy mình.Vì ông không đến chúc mừng cô, nên cô hỏi người bạn thân ngồi cạnh thầy mình ‘Thầy đã nói gì?’ Cô bạn thân nói rằng: Thầy nói, giọng hát của cô rất tuyệt vời. Cô ta không tin những gì thầy cô nói, nên cô hỏi lại bạn rằng, ‘xin nói chính xác những gì mà thầy tôi nói.’ Cô bạn nói rằng, lời chính xác của thầy là: “Đây phải là giọng hát của thiên sứ.” Dĩ nhiên có sự khác biệt giữa chữ ‘giọng hát tuyệt vời’ và ‘giọng hát thiên sứ,’ nhưng lời nói chính xác thì quan trọng hơn.

    Chúng tôi tin rằng, các Lời viết của Kinh thánh đều được soi dẫn.Trái với Sa-tan hay ma quỷ không được soi dẫn để nói, Kinh thánh chép rằng ma quỷ là kẻ nói dối.

    Tất cả Lời Kinh thánh đều được soi dẫn. Chúa Giê-xu thường nói, “Như có chép rằng...” Đó là Lời của Đức Chúa Trời được trích từ Cựu ước. Các tác giả này viết ra những gì Đức Chúa Trời nói, như trong sách Xuất Ê-díp-tô ký 20:1 Môi-se viết, “Bây giờ, Đức Giê hô va phán mọi lời này rằng...” Thật sự Đức Chúa Trời đã phán và Môi-se viết những gì Ngài phán.

    Trải qua nhiều năm, có nhiều bản viết tay rất tốt được tìm thấy, hiện đang được cất giữ tại Anh quốc. Ông George Kenyon, giám đốc thư viện và bảo tàng viện Anh quốc phát biểu rằng, “Tôi rất cảm ơn những bản viết tay này, những độc giả bình thường của Kinh thánh cũng cảm thấy dễ chịu về âm điệu của bản viết. Ngoại trừ một vài chỗ phụ đề, bản chất của những bản viết tay trong Tân ước, chúng ta nhận biết chắc rằng nó được giữ nguyên vẹn.” Ngày nay chúng ta có thể tin chắc rằng, chúng ta có bản viết gần với những bản viết tay đầu tiên. Tôi tin rằng những bản viết tay đầu tiên này được sự soi dẫn trọn vẹn.

    Trong thế kỷ thứ hai, Irenaeus, một trong những giáo phụ của hội thánh viết rằng, “Kinh thánh thật là hoàn hảo vì được nói bởi Đức Chúa Trời và bởi Đức Thánh Linh.”

    Mục sư Spurgeon phát biểu rằng, “Tôi không giờ nghi ngờ giáo lý về sự hà hơi trọn vẹn. Tôi thường rất vui thích khi làm theo mọi Lời của Đức Chúa Trời, không phải một lần mà nhiều lần, vì nó đem đến phước hạnh cho linh hồn của con người.”

    Đức Chúa Trời nói qua Kinh thánh tới tấm lòng và đời sống chúng ta.

  3. SỰ SOI SÁNG

    Sự soi sáng có nghĩa là sự dạy dỗ của Chúa Thánh Linh để chúng ta có thể hiểu được lời Kinh thánh. Từ khi quý vị và tôi có được Kinh thánh là quyển sách của Đức Chúa Trời và sách con người, được viết bởi con người, họ diễn đạt tư tưởng trong thời gian viết Lời của Đức ChúaTrời. Vì thế, muốn nhận biết những lẽ thật Kinh thánh cho chính mình, chúng ta phải nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời mở tâm trí và tấm lòng để cho chúng ta hiểu được lẽ thật thuộc linh trong đó.

    Phao-lô viết trong sách I Cô-rinh-tô 2:7-9, “Chúng tôi giảng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là sự mầu nhiệm kín giấu, mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta. Trong những người cai quản đời này chẳng ai từng biết sự đó, bởi chưng nếu đã biết thì họ chẳng đóng đinh Chúa vinh hiển trên cây thập tự đâu. Song le như có chép rằng:

    Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng chưa nghĩ đến. Nhưng Đức Chúa Tròi sắm sẵn những điều đó cho kẻ yêu mến Ngài.”

    Quý vị và tôi chỉ có thể biết những gì mình thấy và nghe, nhưng Phao-lô nói với chúng ta rằng, có những việc mà mắt không thể thấy và tai không thể nghe. Có những việc mà chúng ta không thể nhận biết bằng lý trí, vậy thế nào mà người trong thế gian có thể hiểu được những điều này. Phao-lô viết tiếp trong sách I Cô-rinh-tô 2:10, “Đức Chúa Trời dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta, vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến mọi sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa.”Cho nên Phao-lô nói, bấy giờ ông có thể hiểu biết thêm những điều mà ông không thể hiểu trước đây.Trước khi quyết định, có nhiều việc quý vị và tôi không thể hiểu theo nghĩa tự nhiên, cho nên phải nhờ Chúa Thánh Linh là Thầy của chúng ta giúp mình hiểu.

    Như lời của Chúa Giê-xu hỏi các môn đệ, “Người ta nói Ta là ai?” Họ nói Chúa Giê-xu là người này, người kia. Cũng như ngày nay, quý vị có thể có những câu trả lời khác nhau, khi hỏi nhiều người về Chúa Giê-xu.Sau đó Chúa Giê-xu hỏi lại các môn đệ của Ngài, “Còn các ngươi thì xưng Ta là ai?” Phi-e-rơ trả lời: “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống.” Bấy giờ Chúa Giê-xu phán cùng ông rằng, “Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó, vì chẳng bởi thịt và huyết tỏ cho ngươi biết những điều này đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy.” (Ma-thi-ơ 16:15-17). Đức Chúa Trời là Đấng khải thị lẽ thật này cho Si-môn Phi-e-rơ.Và ngày nay chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể mở ra Lời của Ngài cho chúng ta thực sự hiểu được.

    Trong ngày Chúa Giê-xu sống lại, Ngài hiện ra và đi trên đường Em-ma-út rồi đồng hành cùng hai người đàn ông khác và nói chuyện với họ.Ngài hỏi họ rằng, “Các ngươi đi đường nói chuyện gì cùng nhau vậy.”Họ đi và buồn bực lắm.Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-ba trả lời rằng, “Có phải chỉ ngươi là khách lạ ở thành Giê-ru-sa-lem, không nghe việc đã xảy đến tại đó cách mấy bữa rày sao?”Ngài hỏi, “Việc gì vậy?”Họ trả lời rằng, “Ấy là việc đã xảy ra cho Giê-xu Na-xa-rét, một đấng tiên tri có nhiều quyền phép trong việc làm và trong lời nói, trước mặt Đức Chúa Trời và cả chúng dân, làm sao mà thầy tế lễ và quan đề hình ta đã nộp Ngài để xử tử và đã đóng đinh trên cây thập tự. Chúng tôi trông mong Ngài sẽ giải cứu dân Y-sơ-ra-ên, dầu thể ấy việc đã xảy ra ba ngày rồi. Thật có mấy người đàn bà trong vòng chúng tôi đã làm cho chúng tôi lấy làm lạ lắm, khi còn mờ sáng họ đến mồ, không thấy xác Ngài, thì về báo rằng, có thiên sứ hiện đến, nói rằng Ngài đang sống. Có mấy người trong vòng chúng tôi cũng đi thăm mồ, thấy mọi điều y như họ nói, còn Ngài thì không thấy. Đức Chúa Giê-xu bèn phán rằng: “Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói. Há chẳng phải Đấng Christ phải chịu thương khó thể ấy mới vào sự vinh hiển mình sao?”Đoạn Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi lời tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh.Khi hai người đi gần đến làng mình định đi thì Đức Chúa Giê-xu dường như muốn đi xa hơn nữa. Nhưng họ ép Ngài dừng lại, mà thưa rằng: “Xin ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều hầu tối.” Vậy Ngài vào ở lại cùng họ. Đương khi Ngài ngồi ăn cùng hai người, thì lấy bánh chúc tạ, đoạn bẻ ra cho họ. Mắt họ bèn mở ra, mà nhìn biết Ngài.Song Ngài thoạt biến đi không thấy. Hai người nói cùng nhau rằng: “Khi nãy đi đường, Ngài nói chuyện cùng chúng ta và các nghĩa Kinh thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao?” (Lu-ca 24:13-32)

    Quý vị thấy rằng chúng ta đang học một sách có sự khác biệt rất lớn với những sách khác. Không những tôi tin vào sự soi dẫn của Kinh thánh mà còn tin rằng đây là một quyển sách không dễ cho chúng ta hiểu, cho đến khi nào Thánh Linh của Đức Chúa Trời mở lòng chúng ta thì nó mới trở nên hiện thực. Khi Chúa Giê-xu trở lại thành Giê-ru-sa-lem trong thời gian đó, Ngài tiếp tục dạy các môn đồ rằng: “Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự được chép về ta trong luật pháp Môi-se, các tiên tri, cùng các Thi thiên phải được ứng nghiệm.” (Lu-ca 24:44). Hãy chú ý rằng, Chúa Giê-xu tin Môi-se viết Ngũ Kinh, Ngài tin tưởng lời tiên tri nói về Ngài, và các sách Thi thiên chỉ về Ngài. Bây giờ đến câu quan trọng Lu-ca 24:45 “Bấy giờ Ngài mở trí cho môn đồ hiểu Kinh thánh.” Quý vị thân mến, nếu Ngài không mở trí, quý vị không thể hiểu được. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đến với Kinh thánh với tấm lòng đầy khiêm nhường, dẫu rằng chúng ta có thông minh hay học cao đến đâu.

    Trở lại I Cô-rinh-tô 2:13-14 Phao-lô nói tiếp, “Chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng. Vả, người có tánh xác thịt không nhận lãnh những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời, bởi chưng người ấy coi sự đó như sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng.”

    Tôi không dao động khi những người này không tin, ngay cả nếu ông ta là người giảng, đến nói rằng, ông không tin Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời, đó là cách ông sẽ nói.Nhưng nếu ông không tin, thì ông không thể hiểu Kinh thánh được. Mark Twain, một người không tin nói rằng: Ông ta không dao động về những gì ông ta không hiểu trong Kinh thánh, nhưng ông ta lo lắng về những gì ông ta hiểu. Có nhiều điều mà người không tin có thể hiểu, đó là những nguyên nhân gây cho họ khước từ Lời Đức Chúa Trời. Như Pascal đã nói ‘Kiến thức con người đáng được quý trọng, nhưng kiến thức thánh cần được quý trọng và được hiểu.’

    Trước khi qua đề tài sự soi dẫn, xin cho tôi nói thêm điều này, chỉ có Thánh Linh của Đức Chúa Trời có thể mở tâm trí và tấm lòng để chúng ta thấy và tiếp nhận Đấng Christ và tin cậy Ngài là Chúa Cứu Thế. Thật lạ lùng, vì tôi thường có cảm giác là mình không có năng lực gì, khi đến tòa giảng. Tôi tin rằng chính tôi không cải đổi được ai. Nhưng không những tôi cảm thấy yếu đuối, nhưng cũng cảm thấy mạnh mẽ, không phải mạnh mẽ bởi sức riêng mình, nhưng biết rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời có thể lấy những lời hay chết của tôi và làm nên những lời sống động.

Tóm lại có bốn điều quan trọng liên hệ đến Kinh thánh, đó là:

  • Sự khải thị, Chúa nói với con người.
  • Sự soi dẫn, Chúa hà hơi trên người viết Kinh thánh và tin chắc lời đó đến từ Chúa.
  • Sự soi sáng, Đức Thánh Linh mở trí cho chúng ta hiểu.
  • Giải nghĩa, tìm hiểu ý nghĩa lời Kinh thánh.

Xin lưu ý: Đây chỉ là tài liệu tham khảo mà thôi.